Bí quyết Tranh luận Hiệu quả

Khi bạn làm việc với nhóm bán hàng của mình, sẽ có lúc bạn phải đối đầu với những bất đồng ý kiến. Bạn có những chủ kiến cùa mình, và người khác cũng vậy. Và rồi cãi vã xảy ra để quyết định phương án nào mới là đúng đắn.

“Mâu thuẫn là động lực để phát triển”, và tranh luận là để tìm ra phương hướng hành động có lợi nhất cho nhóm của bạn. Nhưng một cuộc tranh luận đổ bể cũng có thể giết chết mối quan hệ giữa các thành viên, đập nát mọi công sức hợp tác trước đó. Hãy xem xét những lời khuyên sau đây để có thể có những buổi làm việc hiệu quả, thuận tiện và ai trong nhóm cũng sẽ là người chiến thắng!

1. Đầu tư cho mối quan hệ đồng đội:

Trải nghiệm, vui vẻ, nói chuyện phiếm cùng nhau thoạt nghe có vẻ vớ vẩn, phí phạm thời gian, nhưng chúng sẽ là những vitamin bổ dưỡng cho hiệu quả, cho sự thành bại của nhóm làm việc. Khi bạn và đồng nghiệp của bạn có mối quan hệ tốt đẹp với nhau, các thành viên trong nhóm sẽ dễ dàng hiểu và tiếp thu cách diễn đạt của nhau. Không những thế, sự bao dung và nhẫn nại ở các thành viên cũng sẽ lớn hơn bởi vì họ sẽ quý trọng mối quan hệ mà kiềm chế quát mắng, đập bàn, gân cổ lên cãi vãi…

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho các thành viên trong nhóm của bạn, tìm hiểu họ, nói chuyện vui vẻ với họ, vui buồn cùng họ… biến họ thành những người bạn. Như thế, bạn đã xây dựng nền móng vững chắc cho nhóm của bạn.

2. Tập trung vào vấn đề, tránh công kích cá nhân

Đây không chỉ là nguyên tắc làm việc nhóm mà còn là nguyên tắc tranh luận nói chung. Đừng bao giờ công kích đồng đội của bạn, đừng nói kiểu: vì anh thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vì anh không chuyên về vấn đề kia nên lời nói của anh không có lấy một gram trọng lượng. Bạn có thể làm đồng đội mình nổi đóa lên biến cuộc tranh luận thành tranh cãi.

Nếu trong quá khứ đồng đội của bạn từng làm sai, làm hỏng việc, cũng hãy cố lờ nó đi. Mục tiêu của cuộc tranh luận là để tìm ra phương hướng hành động, để “tất cả cùng thắng” chứ không phải là để đả kích lẫn nhau nhằm tìm ra kẻ thua người thắng.

3. Cẩn thận với “tôi thường đúng và người khác thường sai”

Bạn không bao giờ có thể tranh luận hiệu quả nếu luôn đặt bức tường nghi ngờ giữa bạn và đồng đội. Một ý tưởng chỉ thực sự tệ khi nó trái đạo đức hay vi phạm pháp luật, còn lại thì mọi ý kiến, ý tưởng luôn có những mặt tích cực lẫn tiêu cực. Con người chúng ta thường chủ quan và cảm tính nên ít khi nhìn nhận ra những mặt tích cực. Bạn cũng sẽ dễ rơi vào cái bẫy ấy. Hãy cố gắng tỉnh táo để phân biệt rạch ròi giữa những lợi ích và tác hại, những nguy cơ và rủi ro… Đừng để cái tôi cá nhân đôi khi ích kỷ xen ngang vào cuộc tranh luận.

4. Những ý kiến của bạn đem lại lợi ích cho nhóm hay cho mình bạn?

Đừng tranh cãi chỉ vì bạn muốn thắng, đừng đề xuất phương pháp chỉ vì nó tiện lợi cho bạn mà không thuận lợi cho người khác. Việc bạn chăm chăm nghĩ đến lợi ích bản thân không những khiến buổi tranh luận mất đi tính khách quan và hiệu quả mà còn có thể lan tỏa tinh thần “ai lo thân người nấy” ra toàn bộ nhóm làm việc.

5. Cố tìm ra con đường mà mọi người có thể đi chung:

Không khi nào giải pháp hoàn hảo cho vấn đề cũng sẽ có lợi cho cả nhóm. Trong một lần làm việc với một nhóm 10 người, chúng tôi đi đến 2 cách giải quyết vấn đề: cách thứ nhất có thể giúp nhóm kiếm được 100 triệu nhưng lại có 3 người trong nhóm rất hông hài lòng. Cách thứ hai có thể giúp nhóm kiếm được 90 triệu nhưng ai cũng sẽ hài lòng. Chúng tôi đi đến kết luận làm theo cách thứ hai. Chúng tôi tâm niệm rằng, 10 triệu đồng kia chỉ là con số ngắn hạn, trong khi chúng tôi sẽ làm việc với nhau trong nhiều tháng. Kết quả công việc có thể rất quan trọng nhưng mối quan hệ, sự gắn kết khăn khít giữa các thành viên còn quan trọng không kém. Và đó chính là lý do chúng tôi luôn tìm được tiếng nói chung, hạn chế tối đa sự không hài lòng và đồng hành cũng nhau đánh thắng hết mục tiêu này đến mục tiêu khác.

Ads

Bài viết mới

Liên kết web

Ads

Related Stories